Từ 25/8, đất ở tại TP.HCM tăng giá lên 15 lần

Theo quyết định mới từ UBND TP.HCM, giá đất ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi khi thương lượng đền bù sẽ có giá tối đa là 810 triệu đồng/m2. Đây cũng là mức giá đất ở cao nhất được áp dụng trên địa bàn TP.HCM từ 25/8.

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn thành phố trong năm 2022.

Theo quyết định mới, hệ số giá đất ở tại TP.HCM sẽ tăng lên đến 15 lần. Ảnh: Đăng Kiệt

Theo đó, đất ở TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè có hệ số điều chỉnh giá đất cao nhất, gấp 15 lần bảng giá đất hiện hành của Nhà nước.

Tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố đều có hệ số điều chỉnh giá tăng 2 – 15 lần, trong khi đất nông nghiệp có mức tăng từ 5 – 35 lần, theo bảng giá mới được chính quyền thành phố công bố. Các vị trí, đơn giá đất các vị trí đất nông nghiệp được áp dụng theo quy định về Bảng giá đất trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 – 2024. Các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10 và 11 có hệ số giá đất nông nghiệp cao nhất.

Về đất phi nông nghiệp, hệ số điều chỉnh giá đất sản xuất, kinh doanh không phải là đất thương mại, dịch vụ; đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp được tính bằng 60% giá đất ở liền kề.

Đối với đất ở không phải là đất ở thương mại, dịch vụ được tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Còn đất nghĩa trang, nghĩa địa, giáo dục, y tế, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian tính bằng 60% giá đất ở liền kề.

Các loại hình đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sẽ được bồi thường theo vị trí. Cụ thể, vị trí 1 là đất mặt tiền đường áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất 1 mặt giáp với đường được quy định trong bảng giá đất. Vị trí 2 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất 1 mặt tiếp giáp với hẻm rộng từ 5m trở lên thì tính bằng 0,5 của vị trí 1.

Vị trí 3 áp dụng các thửa đất như vị trí 2 nhưng hẻm có độ rộng từ 3 đến dưới 5m tính bằng 0,8 vị trí 2. Các thửa đất còn lại là vị trí 4, tính bằng 0,8 của vị trí 3.

Theo hệ số điều chỉnh mới, giá đất thương lượng bồi thường ở một số con đường tiêu biểu tại TP.HCM sẽ tăng.

Đơn cử như đất ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi sẽ có giá thương lượng bồi thường khoảng 648 – 810 triệu đồng/m2, thay vì giá Nhà nước 162 triệu đồng/m2 như trước đây. Đây cũng là mức giá cao nhất đối với đất ở tại TP.HCM.

Còn đường Chu Mạnh Trinh (quận 1), theo hệ số giá nhà nước giai đoạn 2020 – 2024 là 52,8 triệu đồng/m2, thì nay sẽ được thương lượng ở mức 211,2 – 264 triệu đồng/m2. Còn đất ở đô thị trên đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn qua quận 1), sẽ có giá thương lượng đền bù từ 264 – 330 triệu đồng/m2, thay vì 66 triệu đồng/m2 như trước đây.

Còn đất ở đường Dương Văn Hạnh (đoạn từ Chợ Cần Giờ đến Ngã Ba Rừng Sác, huyện Cần Giờ) sẽ có giá thương lượng đền bù từ 5,64 – 7,05 triệu đồng/m2 thay vì 1,41 triệu đồng như trước.

UBND TP.HCM cũng giao UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện rà soát mục đích sử dụng đất, vị trí, tuyến đường với các dự án đã được chính quyền thành phố phê duyệt trong khoảng thời gian không quá 1 năm tại địa phương để cân đối với hệ số điều chỉnh để đưa hệ số cụ thể vào phương án bồi thường, hỗ trợ lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi, tùy điều kiện thực tế.

Ngoài ra, hệ số điều chỉnh giá đất ban hành vào đầu kỳ hàng năm này chỉ có ý nghĩa để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi, không phải là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định. Trước đó, ngày 4/5/2021, chính quyền TP.HCM áp dụng đền bù thương lượng giá đất theo quyết định số 10/2021/QĐ-UBND.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận thông tin chi tiết dự án

Bảng giá bán, hợp đồng mua bán, chính sách cho vay vốn, chương trình khuyến mại mới nhất.


Quý khách điền đầy đủ thông tin để nhận được thông tin dự án chính xác nhất