Cao tốc TPHCM – Mộc Bài, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Nguyễn Khoái, Metro số 2, Vành đai 4 có tổng vốn hơn 102.000 tỉ đồng được ngành giao thông TPHCM lên kế hoạch khởi công năm 2025 để chào mừng kỉ niệm 50 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cầu Cần Giờ
Dự án cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ đang được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến khởi công dịp 30.4.2025.
Tổng chiều dài cầu dự kiến 7,3 km (gồm cả đường dẫn). Tổng diện tích đất ảnh hưởng bởi dự án gần 33 ha, trong đó huyện Cần Giờ 26,45 ha và huyện Nhà Bè là 6,16 ha.
So với trước, tổng mức đầu tư cầu Cần Giờ khoảng 12.725 tỉ đồng, tăng hơn 2.700 tỉ đồng do cập nhật lại một số hạng mục. Công trình sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Sở GTVT, dự án cần Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh nhằm kết nối giao thông giữa huyện đảo Cần Giờ với trung tâm thành phố và các khu vực lân cận.
Công trình giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông tại khu vực phà Cát Lái, đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt cho tuyến đường Rừng Sác là tuyến đường vận tải quan trọng của huyện Cần Giờ.
Cầu Thủ Thiêm 4
Cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sang Quận 7, tổng vốn gần 5.000 tỉ đồng, dự kiến trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tới.
Tổng chiều dài dự án gần 2,2 km (trong đó cầu dài hơn 1,5 km), với 6 làn xe, kết cấu cầu vòm. Nếu được thông qua, dự án sẽ khởi công dịp 30.4.2025 theo hình thức PPP.
Sở GTVT TPHCM đánh giá việc đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nhằm kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị mới Nam thành phố.
Công trình cùng với cầu Ba Son, cầu Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn, đường Mai Chí Thọ, đường Võ Văn Kiệt đã xây dựng và hệ thống cầu qua sông Sài Gòn quy hoạch như cầu Thủ Thiêm 3 hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh liên kết liên kết khu vực phía Nam với khu vực phía Đông thành phố.
Cao tốc TPHCM – Mộc Bài
Dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh) dài khoảng 50 km, đầu tư 4 làn xe giai đoạn 1 theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư dự án là 20.889 tỉ đồng, tăng gần 5.000 tỉ đồng sau khi cập nhật lại một số hạng mục.
Thành phố dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong năm nay. Sở GTVT TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng năm 2024, khởi công dự án dịp 30.4.2025.
Cao tốc khi hoàn thành giúp tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TPHCM với Campuchia, đồng thời phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 nối thành phố với Tây Ninh.
Cầu đường Nguyễn Khoái
Dự án cầu đường Nguyễn Khoái dài gần 1,2 km, tổng mức đầu tư 2.900 tỉ đồng. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 5,2 ha thuộc địa bàn các quận: 1, 4, 5 và 7. Dự án được đặt mục tiêu khởi công dịp 30.4.2025.
Theo Sở GTVT, việc đầu tư xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái sẽ hình thành trục giao thông kết nối khu vực quận: 7, 4, huyện Nhà Bè với Khu trung tâm của thành phố. Từ đó, công trình giúp giải quyết tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông trên các cầu Tân Thuận, kênh Tẻ, Nguyễn Văn Cừ, Chữ Y và các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tất Thành, Dương Bá Trạc.
Vành đai 4
Dự án Vành đai 4 dài gần 200 km, đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được đặt mục tiêu khởi công dịp 30.4.2025.
Mỗi địa phương sẽ chủ trì thực hiện đoạn đi qua địa bàn. Tại TPHCM, đoạn Vành đai 4 dài khoảng 17 km, qua huyện Củ Chi, Nhà Bè, với điểm đầu tại cầu Phú Thuận (thị xã Bến Cát, Bình Dương); điểm cuối ở cầu Thầy Cai (huyện Đức Hoà, Long An).
Tổng mức đầu tư đoạn qua TPHCM khoảng 13.800 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.900 tỉ đồng. Dự án giữ vai trò liên kết vùng, tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối các cao tốc, quốc lộ, mở ra không gian phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Metro số 2
Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) có tổng mức đầu tư hơn 47.800 tỉ đồng, đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, dài hơn 11 km với 9 ga ngầm, một ga trên cao.
Dự án sẽ được khởi công di dời hạ tầng kĩ thuật (công trình điện, nước, viễn thông) vào ngày 22.6. Công tác giải phóng mặt bằng cũng đạt gần 87% với 508 trong tổng 586 trường hợp đã bàn giao. Dự kiến Metro số 2 sẽ có mặt bằng sạch để khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2030.
Metro số 2 đóng vai trò giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ Trung tâm thành phố về phía Tây Bắc và ngược lại, làm cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này.
Tuyến tàu điện này cũng nối với tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tương lai là các tuyến đường sắt đô thị số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo thành một hệ thống đường sắt đô thị.