Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết sẽ “rã băng” từ từ thị trường bất động sản bằng các giải pháp về vốn. Khi ngành bất động sản được gỡ vướng, nhiều ngành nghề khác sẽ được kích thích, việc làm của người dân được tăng thêm.
Sáng ngày 4.4. Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025 khai mạc hội nghị lần thứ 20 với nhiệm vụ trọng tâm là đánh giá tình hình kinh tế – xã hội quý I và nhiệm vụ quý II/2023.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã lý giải nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý I/2023 chỉ đạt 0,7%.
Theo ông Phan Văn Mãi, về nguyên nhân khách quan, TP Hồ Chí Minh là trung tâm dịch vụ, công nghiệp nhưng các mảng này bị ảnh hưởng rất lớn lớn thời gian qua.
Cụ thể, 90% dự án bất động sản đang “đóng băng”. Ngân hàng chịu nhiều tác động, sản xuất kinh doanh khó khăn do nguồn cung tiền và lãi suất cao nên tiếp cận khó, tăng trưởng thấp. Du lịch tuy hồi phục khởi sắc nhưng nhiều mảng chưa phục hồi như quy mô trước dịch COVID-19.
Cũng theo ông Phan Văn Mãi, không chỉ TP Hồ Chí Minh mà các địa phương có thế mạnh về sản xuất công nghiệp đều bị ảnh hưởng, đơn hàng xuất khẩu giảm 30-40%.
Ngoài ra, do thu nhập, việc làm, tiền lương của người lao động giảm cùng tác động tâm lý dẫn đến xu hướng thắt chặt tiêu dùng.
Về nguyên nhân chủ quan, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thừa nhận, hạn chế, khuyết điểm của thành phố là việc giải quyết vấn đề, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể làm sao để các dự án, công trình được triển khai nhanh, thuận lợi hơn nhưng thành phố làm chưa đạt so với yêu cầu.
Về phải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 3 quý còn lại, ông Phan Văn Mãi nhận định, trong quý II/2023, tình hình kinh tế – xã hội của cả nước và TP Hồ Chí Minh tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Trong đó, những tác động về xã hội sẽ tăng khi lượng người mất việc, giảm việc, giảm thu nhập nhiều hơn.
Trong bối cảnh này, người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ khởi động lại các trụ cột của tăng trưởng là đầu tư công, đầu tư xã hội.
Cụ thể, đối với thị trường bất động sản bị “đóng băng”, thời gian tới, thành phố sẽ “rã băng” từ từ bằng các giải pháp về vốn. Khi ngành bất động sản được gỡ vướng, nhiều ngành nghề khác sẽ được kích thích, việc làm của người dân được tăng thêm.
Về thúc đẩy đầu tư công, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đặt mục tiêu đến hết quý II/2023 sẽ giải ngân đạt 35%, hết quý III đạt 58%, hết quý IV đạt 91% và hết niên độ (tháng 1.2024) đạt 95% trở lên.
Để làm được điều này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu công tác giải phóng mặt bằng cần ưu tiên.
Theo ông Mãi, trong năm 2023, có 50 dự án giao thông thuộc 12 quận, huyện và TP Thủ Đức với tổng diện tích 100 ha, giá trị 2.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, các dự án Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc TPHCM – Mộc Bài có diện tích phải giải tỏa lên đến 900 ha, tổng mức đầu tư 40.000 tỉ đồng. “Nếu như giải phóng mặt bằng hoàn thành trong 6 tháng đầu năm thì công việc phía sau rất thuận lợi” – ông Mãi nhận định.
Đối với nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tập trung phân nhóm 141 vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước trong tháng 4 này để tháo gỡ.