Ba tháng đầu năm nay, tín dụng vẫn tiếp tục chảy vào lĩnh vực bất động sản so với thời điểm cuối năm ngoái trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm mạnh, thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Báo cáo tài chính các ngân hàng trong quý 1/2024 đã được công bố. Soi vào từng ngân hàng cụ thể có thể thấy, các ngân hàng tiếp tục dành tỷ trọng lớn trong bảng cơ cấu nợ vay cho hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo báo cáo hợp nhất từ Techcombank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại ngân hàng này đạt hơn 194 ngàn tỷ đồng trong quý 1, tăng 18 ngàn tỷ đồng so với con số 176 ngàn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm ngoái. Với tổng dư nợ hơn 334 ngàn tỷ đồng, tỷ trọng cho vay của hoạt động kinh doanh này đã chiếm gần 36% trong tổng dư nợ của nhà băng, tăng nhẹ so với tỷ trọng 35,2% cuối quý 4/2023.
SHB ghi nhận hơn 70 ngàn tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh bất động sản trong quý 1, tăng khoảng 5 ngàn tỷ đồng so với quý liền trước, tỷ trọng tăng từ 15,4% lên 16,6% trong tổng dư nợ trong bối cảnh, tổng dư nợ cho vay lại giảm nhẹ khoảng 1 ngàn tỷ đồng.
Tại VPBank, mảng kinh doanh bất động sản trong quý 1 đã được ngân hàng này giải ngân trên 121 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 7 ngàn tỷ đồng so với cuối năm 2023. Theo đó, tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh lĩnh vực này trên tổng dư nợ của VPBank tăng từ 20,2 lên 20,8%, trong khi tổng dư nợ chỉ tăng 16 ngàn tỷ đồng trong quý.
Các nhà băng khác cũng ghi nhận sự tăng nhẹ của dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, như Ngân hàng Quân đội (MBB) tăng khoảng 2 ngàn tỷ đồng, HDBank tăng 6 ngàn tỷ đồng, TPBank 2 ngàn tỷ đồng…
Như vậy, quý 1, dù tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến cuối tháng 3 chỉ đạt mức tăng nhẹ 0,26% (dù hai tháng trước đó ghi nhận giảm) nhưng lĩnh vực kinh doanh bất động sản so với cuối quý 4/2024 vẫn giữ xu hướng tăng trong bối cảnh lãi suất cho vay đã giảm mạnh.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), thời điểm cuối tháng 3, mặt bằng lãi suất cho vay mua bất động sản trung bình giảm xuống từ 5 – 8%/năm, giảm 1 – 1,5% so với thời điểm cuối năm ngoái. Các nhà băng cũng nới lỏng hơn điều kiện cho vay để kích thích tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Đây cũng là điều kiện thuận lợi không chỉ cho khách hàng cá nhân mà cho cả nhà đầu tư bất động sản.
Nợ xấu bất động sản có đáng lo?
Phát biểu tại đại hội cổ đông mới đây của VPBank, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Trí Dũng chia sẻ: “Bất động sản vẫn là ngành đáng quan tâm, nếu chúng ta phân tích và đánh giá đúng”.
Thêm một đại diện nhà băng cũng nhận định, “Khi có vấn đề thì dư nợ bất động sản dễ gặp khó khăn nhưng lại có khả năng xử lý cao nhất, hiện ngân hàng đã thu được gần như 100% gốc khi thị trường phục hồi, lãi cũng thu hồi 50 – 70%. Tỉ lệ mất thật của lĩnh vực này thấp hơn lĩnh vực khác nhiều”.
Điều này cho thấy, cho vay bất động sản vẫn “được lòng” các nhà băng, nhất là trong quý 1, thị trường đã dần khởi sắc.
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, chỉ số tâm lý thị trường tăng 3 điểm so với nửa cuối năm ngoái, khi thị trường tập trung các yếu tố như tiềm năng tăng giá, về lãi suất vay mua nhà và chính sách, tình hình thị trường.
Trong khi đó, theo phân tích MBS, quý 1, các dự thảo luật bất động sản quan trọng đã được thông qua, dù chưa đến thời điểm áp dụng tuy nhiên đã hỗ trợ tâm lý thị trường. Rủi ro thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản đã giảm bớt khi nhiều doanh nghiệp chủ động mua lại trước hạn trái phiếu doanh nghiệp và cơ cấu lại nợ. Các doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi sẽ là các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sạch, dự án đủ điều kiện mở bán, phục vụ nhu cầu ở thực.
Thống kê từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tín dụng bất động sản chiếm gần 22% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và là mảng hoạt động quan trọng bậc nhất của các ngân hàng. Theo đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản, đặc biệt là cầu vay mua nhà, sẽ tác động rất lớn tới tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
Thị trường bất động sản đang vượt qua khó khăn. Kích cầu tín dụng bất động sản vẫn là mục tiêu mà nhiều ngân hàng hướng tới.