“Ngửi” thấy sự phục hồi
Sau thị trường căn hộ với nhiều dự án mới được công bố với mức giá tăng cao, thị trường nhà phố gần đây cũng “trở mình” về giao dịch. Theo ghi nhận từ các đơn vị môi giới, từ đầu năm Dương lịch đến nay, thị trường nhà phố, đất nền tại TP.HCM giao dịch khá tốt, “hàng ngộp, giá rẻ” dường như đã được gom sạch và giá cũng bắt đầu rục rịch tăng trở lại.
Ông Trần Anh, một môi giới chuyên nghiệp thị trường nhà phố tại TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đặc biệt là trong một tháng trở lại đây, thanh khoản của thị trường nhà phố tăng khá và bắt đầu xuất hiện tình trạng găm hàng, nói thách.
“Lúc thị trường đóng băng, nhiều người miệt mài rao bán, thậm chí chấp nhận giảm giá nhưng không ai quan tâm, nhưng khi thấy thị trường có dấu hiệu phục hồi, người bán lại không bán, còn người mua thì một mực tìm đủ cách để gom”, ông Anh nói và cho biết thêm, thực tế thời điểm khó khăn nhất của thị trường là từ đầu đến giữa năm 2023, nhiều người vì kẹt tiền rao bán nhà, đất khá nhiều và lúc đó cũng có nhiều người có dòng tiền đã mua gom, hiện nay bắt đầu bán chênh với mức lãi tương đối. Còn với các trường hợp rao bán thời điểm đó nhưng chưa bán được, giờ cũng đổi ý không bán nữa hoặc nếu bán cũng với mức giá cao hơn.
Giới chuyên kinh doanh dòng sản phẩm này nhận định, nhà phố luôn có sức hấp dẫn và tính thanh khoản, kể cả trong giai đoạn thị trường khó khăn nhất. Theo khảo sát của các đơn vị môi giới nhà phố, thời gian gần đây, lượng người tìm kiếm nhà phố để mua tăng lên, nhất là tại các quận trung tâm TP.HCM như quận 1, 3, 10, Phú Nhuận và TP. Thủ Đức, nguyên nhân một phần do khó khăn về thanh khoản, một bộ phận nhà đầu tư rút tiền tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm sâu để mua nhà tại trung tâm thành phố nhằm khai thác cho thuê, thu về dòng tiền ngay.
Ông La Cẩm Nam, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản An Phúc Lộc, doanh nghiệp chuyên đầu tư phân phối mảng thị trường nhà phố cũng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường nhà phố trở nên khá nhộn nhịp.
… lan tỏa sự ấm áp sang thị trường đất nền, nhà phố. Ảnh: Lê Toàn |
“Mặc dù chuyên về thị trường nhà phố, nhưng giai đoạn vừa qua do thị trường gặp khó khăn nên Công ty phải chuyển hướng sang đầu tư mảng căn hộ dịch vụ cho thuê để duy trì hoạt động doanh nghiệp, hiện đã quay lại khởi động mạnh mảng đầu tư, kinh doanh nhà phố”, ông Nam nói và cho biết, so với thị trường giai đoạn đỉnh điểm, mức độ giao dịch chưa bằng, nhưng có thể nhận thấy rõ là tâm lý phòng thủ đã không còn, thay vào đó những người có tiền mặt sẵn sàng “xuống tiền” nếu tìm được sản phẩm ứng ý.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế kể cả những giai đoạn thị trường bất động sản gặp khó, nhà phố vẫn luôn là phân khúc giữ giá tốt nhất và luôn có thanh khoản, cũng là phân khúc “chạy” nhanh nhất khi thị trường phục hồi. Đó là lý do khiến biên độ tăng giá của nhà phố luôn cao hơn so với các phân khúc khác và trở thành “khẩu vị” ưa thích của người có nguồn tài chính mạnh.
Một trong những lý do khiến nhà phố luôn có sức hút lớn với giới đầu tư một phần do quy luật cung – cầu và “khẩu vị” tích lũy tài sản. Tại TP.HCM, nhu cầu nhà ở, kinh doanh thương mại ngày càng gia tăng, trong khi quỹ đất không có nhiều, thậm chí ở những khu vực trung tâm không còn quỹ đất để phát triển nên nguồn cung nhà phố khá hạn chế.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Techcom Việt Nam cho rằng, dù cũng trải qua các giai đoạn thăng trầm, song nhìn từ cuộc khủng hoảng giai đoạn 2010-2012 cũng như hiện nay, giá đất tại nhiều khu vực ở TP.HCM không ngừng gia tăng, kể cả giai đoạn khó khăn nhất của thị trường thì nhà phố chỉ rơi vào tình trạng thanh khoản kém hoặc bão hòa về giá, sau đó lại tăng trở lại.
Chỉ báo phục hồi
Sự phục hồi của thị trường nhà phố chưa hẳn thực sự sôi động và phần lớn tập trung vào những người có dòng tiền nhàn rỗi mua vào như một kênh cất trữ tài sản. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường đất nền, nhà phố là chỉ báo cho thấy, khả năng sức nóng của thị trường địa ốc bắt đầu lan rộng.
Ông Dương Minh tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time cho rằng, từ đầu năm đến nay, nhiều phân khúc thị trường bất động sản đã thực sự có sức sống mới, tâm lý nhà đầu tư hưng phấn, đây là tín hiệu để khẳng định giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua.
“Không kỳ vọng thị trường sẽ quá sôi động trong năm nay, song xét ở góc độ dài hạn, chắc chắn thị trường sẽ tăng lên dựa trên 3 yếu tố tác động gồm: Thứ nhất, sự tăng lên về dân số cơ học, dẫn đến nhu cầu nhà ở tăng cao; thứ hai, kinh tế tăng trưởng khi GDP quý đầu năm 2024 đã tăng tới 5,66% – mức tăng cao nhất trong quý I của 4 năm qua, trở thành động lực để tích lũy thu nhập dân cư tăng lên và thứ ba là yếu tố pháp lý được hoàn thiện tạo động lực tăng trưởng cho thị trường”, ông Tiến nhấn mạnh.
Tương tự, theo ông Trần Hoài Bảo, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản TPI, nếu như giai đoạn 2022-2023, thị trường có sự lao dốc mạnh về thanh khoản, thì năm 2024 sẽ là năm tích lũy. Đó là sự tích lũy của doanh nghiệp, nhà đầu tư và của người dân, trong đó sẽ có nhiều người chọn bất động sản để tích lũy tài sản.
“Từ cuối năm 2023 trở lại đây, dòng tiền thông minh đã bắt đầu đổ vào bất động sản, nhưng nhà đầu tư cũng cẩn trọng hơn và chú trọng vào loại hình bất động sản có thể sinh dòng tiền. Lực cầu trong thời gian tới sẽ tăng trở lại, tuy nhiên không đồng đều ở các phân khúc”, ông Bảo nhận định và cho rằng, nhiều nhà đầu tư theo dạng lướt sóng trước đây đang cơ cấu lại danh mục đầu tư, thay vì đầu cơ đất nền hoặc nhà xây thô để đấy chờ giá tăng thì nay chuyển sang đầu tư sản phẩm hoàn thiện để thu về lợi nhuận từ cho thuê. Những người có nhu cầu mua nhà để chờ con cái trưởng thành (ra trường, kết hôn…), họ mong muốn vừa tích sản, vừa cho thuê tạo ra dòng tiền.
Theo các chuyên gia, một trong các yếu tố tác động nhiều đến thị trường hiện nay là dòng tín dụng từ ngân hàng đang trở nên rẻ hơn với mọi ngành kinh tế, trong đó có bất động sản. Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang đưa ra hàng loạt quyết sách tạo tiền đề thúc đẩy sự phục hồi của thị trường. Chẳng hạn, ngày 26/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ thị hỏa tốc gửi các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tốc độ xây dựng các nghị định hướng dẫn để có cơ sở trình Quốc hội cho phép chính thức áp dụng Luật Đất đai 2024 vào ngày 1/7/2024 thay vì đầu năm 2025 như kế hoạch trước đó.