Dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản có thể sẽ rõ nét hơn vào quý III/2023 khi các chính sách hỗ trợ thật sự ngấm và các dự án nhà ở xã hội được triển khai. Thanh khoản của thị trường sẽ tập trung chính ở phân khúc này.
Báo cáo nghiên cứu thị trường của DKRA vừa công bố cho thấy, điểm đáng chú ý nhất của thị trường bất động sản là trong tháng 5.2023, số lượng căn hộ giao dịch chào bán cắt lỗ thứ cấp giảm mạnh, phần lớn nhờ vào các tín hiệu tích cực đến từ việc giảm lãi suất cũng như chỉ đạo gỡ vướng pháp lý dự án.
Cụ thể, trong tháng 5.2023, nguồn cung mới căn hộ tại TPHCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận sụt giảm mạnh 95% so với cùng kỳ năm ngoái, các dự án mở bán tập trung tại TPHCM và Bình Dương. Sức cầu chung toàn thị trường cũng giảm mạnh 98% so với cùng kỳ, với tỉ lệ tiêu thụ chỉ đạt 35% nguồn cung mở bán mới trong tháng. Dù các chủ đầu tư tung ra nhiều chính sách chiết khấu khủng đối với phương thức thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán… để kích cầu người mua giữa bối cảnh thị trường khó khăn.
Về giá bán, nhìn chung mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục neo ở mức cao trước áp lực các chi phí đầu vào, lãi vay, pháp lý…Đối với phân khúc đất nền, nguồn cung mới đạt mức cao nhất trong 5 tháng qua, tăng 2,1 lần so với tháng trước, tuy nhiên giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án mở bán trong tháng 5 có mức giá tăng 4 – 8% so với lần mở bán trước đó. Trên thị trường thứ cấp, đất nền có mức giảm trung bình 2-10% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn chưa ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Từ những con số nói trên cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với các diễn biến hiện tại, các chuyên gia vẫn lạc quan nhận định bức tranh khởi sắc của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết nhiều thông tin đang tác động tích cực đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Cụ thể, với các nghị định được ban hành như Nghị định 08/2023/NĐ-CP; Nghị quyết 33/NQ-CP; gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội; 5 quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước; Nghị định 10… cho thấy Chính phủ đã và đang có nhiều động thái trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, không chỉ những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM mà nhiều địa phương trên cả nước cũng chính thức vào cuộc, đẩy mạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn.
Các chuyển biến này bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định khi một số dự án đã cơ bản tháo gỡ được vướng mắc và nhiều dự án được tái khởi động.
Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn tăng trưởng này đã tạo tiền đề cho chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục được triển khai, hoàn thiện. Nhờ đó, nền kinh tế được thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị, kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng, dịch vụ, văn phòng…
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng với những diễn biến trên, có thể thấy, những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường bất động sản khả năng được khơi thông một phần trong cuối quý 2, đầu quý 3, tạo tiền đề cho sự hồi phục, ổn định và phát triển trở lại trong quý kế tiếp và năm tới.
Dấu hiệu phục hồi có thể sẽ rõ nét hơn vào quý III/2023 khi các dự án nhà ở xã hội được triển khai. Thanh khoản của thị trường sẽ tập trung chính ở phân khúc này. Với việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành thì nếu lãi suất huy động được điều chỉnh xuống dưới 5%, dòng tiền đầu tư sẽ được rút ra khỏi ngân hàng, quay trở về bất động sản, làm tăng đầu tư, giao dịch trên thị trường.