Huyện Nhà Bè đang tích cực mời gọi, mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, với định hướng phát triển thành thành phố thuộc TP.HCM.
Ông Dương Thế Trung – bí thư Huyện ủy Nhà Bè – chia sẻ hội nghị “Mời gọi đầu tư vào Nhà Bè” nhằm quảng bá hình ảnh điạ phương, giới thiệu các dự án, chính sách thu hút đầu tư, khẳng định những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực… của huyện. Từ đó góp phần khai phá tiềm năng và triển vọng đầu tư – xây dựng, đưa Nhà Bè trở thành thành phố thuộc TP.HCM theo hướng phát triển bền vững.
Nhà Bè mời gọi đầu tư, xây dựng khu đô thị
Theo ông Trung, trong những năm qua, các ngành kinh tế do huyện quản lý có mức tăng trưởng cao (bình quân đạt 12%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư và phát triển, đời sống văn hóa và tinh thần người dân được nâng cao rõ rệt. Huyện đã giải quyết việc làm cho 7.245 lượt người, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022 – 2023.
Nhiều dự án đầu tư công đã đưa vào sử dụng. Tương lai gần có các dự án: cầu bắc qua kênh Cây Khô, cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa, cầu Rạch Tôm.
Với mong muốn hợp tác phát triển, huyện Nhà Bè mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt các lĩnh vực: xây dựng khu đô thị, cảng logistics, thương mại – dịch vụ – du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp cảng…
Ông Dương Thế Trung khẳng định: “Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo sự phát triển bền vững trong lương lai”.
Ông Võ Phan Lê Nguyễn – ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè – cho biết Nhà Bè đã đạt được sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt, gia nhập “Câu lạc bộ thu ngân sách ngàn tỉ của TP.HCM”, ước tính năm 2023 thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1.000 tỉ đồng.
Huyện đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện… Địa phương cũng có lợi thế để phát triển giao thông đường thủy lẫn đường bộ trong kết nối, vận chuyển. Song song đó, huyện có lợi thế về tiềm năng đất đai, với diện tích 10.043ha được quy hoạch bài bản.
Nhà Bè cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược: “Sự quy tụ đông đảo của cộng đồng các doanh nghiệp là nền tảng vững chắc để tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp, cũng như hình thành nhu cầu tự nhiên rất lớn về kho vận và phân phối hàng hóa, đem lại nguồn thu cũng như sự phát triển trên địa bàn huyện Nhà Bè”, ông Võ Phan Lê Nguyễn chia sẻ.
Tạo điều kiện để “đại bàng” làm tổ, sinh sôi nảy nở
Mong muốn nhà đầu tư an tâm phát triển kinh tế – đô thị trên địa bàn, đảm bảo triển khai một cách đồng bộ, phía huyện Nhà Bè đề ra giải pháp về: quy hoạch, vốn, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ.
Với tư cách nhà đầu tư đổ vốn vào Nhà Bè từ rất sớm, đại diện Công ty Phú Long cho rằng đây là môi trường rất tiềm năng. Suốt gần 20 năm gắn bó, doanh nghiệp đều nhận được sự đồng hành của chính quyền địa phương. Nỗ lực góp phần đưa mảnh đất này phát triển xứng tầm, nên doanh nghiệp đã chuyển trụ sở tới địa phương, mời thêm công ty khác rót vốn đầu tư.
Đến Nhà Bè từ những năm 2005, doanh nghiệp được kế thừa tầm nhìn quy hoạch và vĩ mô của những người tiên phong, lãnh đạo thành phố, “đã tạo ra một vùng đất mới thật tiềm năng và tươi đẹp”. Đứng trên tầm nhìn đó, doanh nghiệp mong mỏi phát triển một mảnh ghép nhỏ – đặc biệt trục đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối Nhà Bè với TP.HCM, xứng đáng bộ mặt của vùng đất. Đồng thời tìm cách đưa Nhà Bè phát triển xứng tầm với vị trí.
“Chúng tôi cam kết mạnh mẽ là một phần của Nhà Bè. Mong được lãnh đạo địa phương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thuận lợi để Nhà Bè giữ được những “con đại bàng” đã làm tổ nơi đây và sinh sôi nảy nở”, đại diện Phú Long chia sẻ. Doanh nghiệp cũng đánh giá Nhà Bè sở hữu nhiều điều kiện để trở thành đô thị loại hai và quy hoạch thành đô thị vệ tinh.
Nhân sự kiện, Phú Long cũng kỳ vọng với nguồn vốn có sẵn của công ty sẽ tiếp tục phát triển dự án và kêu gọi thêm những công ty và tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư vào Nhà Bè. Trong khi đại diện Khu công nghiệp Hiệp Phước kiến nghị việc: thúc đẩy hoạt động xác định đơn giá đất, đẩy nhanh phát triển hạ tầng ở những khu vực quan trọng như nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ, thường xuyên nạo vét và tạo thông thoáng cho luồng tàu 30.000-50.000 tấn vào hàng ở cảng.
“Tôi luôn xem Nhà Bè như quê hương, sự nghiệp lớn nhất trong cuộc đời vì tôi bỏ ra hơn 30 năm ở đây”, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng – giảng viên Fulbright – chia sẻ.
Với sự gắn bó và hiểu biết của mình, ông Dưỡng nhìn nhận nếu lãnh đạo địa phương và lãnh đạo thành phố tạo điều kiện, các doanh nghiệp cùng nhập cuộc, tạo nên sức mạnh liên thông, Nhà Bè hoàn toàn có khả năng phát triển thành thành phố trực thuộc TP.HCM, không thua kém gì Thủ Đức.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, ông Nguyễn Hồ Hải – phó bí thư Thành ủy TP.HCM – nhận định để huyện Nhà Bè phát triển hơn nữa, cần sự quyết tâm của những nhà đầu tư có năng lực.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng phải thấu hiểu, hỗ trợ, minh bạch. Thay tư tưởng quản lý bằng quản trị, đồng hành xã hội. Xem sự thành bại của nhà đầu tư là sự thành bại của địa phương. Các quyết định đều vì người dân, chăm lo tốt đời sống an sinh xã hội.