Loạt ngân hàng tiếp tục tăng cho vay kinh doanh bất động sản

Trong bối cảnh nhiều nơi than thở dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản ngày càng khó khăn, đến cuối quý 2-2023, thực tế ở một số ngân hàng vẫn có xu hướng tăng cho vay lĩnh vực này.

Áp lực nợ xấu của ngân hàng trong 2 quý cuối năm có thể sẽ tăng cao khi thị trường bất động sản gặp khó về thanh khoản – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết tính đến 31-5-2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 925.796 tỉ đồng.

Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng, tiêu dùng lại giảm

Trong đó, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, còn tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.

Bộ Xây dựng nhận định tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp.

Xu hướng tăng tín dụng vào kinh doanh bất động sản có thể nhìn thấy ở một số ngân hàng có thuyết minh dư nợ cho vay theo ngành.

Như tại VPBank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính đến hết tháng 6-2023 là 82.764 tỉ đồng, tăng 22% so với đầu năm và chiếm khoảng 17% tổng dư nợ.

Ngoài ra, nhà băng này còn cho vay hơn 88.400 tỉ đồng khách hàng cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở, chiếm 18%.

Nằm trong “top” các ngân hàng cho vay bất động sản lớn và tiếp tục tăng tính đến hết tháng 6-2023 còn có SHB, HDBank, MBBank, TPBank, MSB…

Cho vay bất động sản tại các ngân hàng có công bố dư nợ cho vay lĩnh vực này - Nguồn: BCTC

Cho vay bất động sản tại các ngân hàng có công bố dư nợ cho vay lĩnh vực này – Nguồn: BCTC

Tại SHB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản đến 30-6-2023 là 59.464 tỉ đồng, chiếm gần 15% tổng dư nợ, trong khi cuối năm ngoái chỉ 6,75%.

Còn ở HDBank, cuối quý 2 ghi nhận ngân hàng này có 32.775 tỉ đồng cho vay kinh doanh bất động sản, tăng lên so với con số 20.969 tỉ đồng cuối năm 2022.

Tương tự, MBBank cũng có chiều hướng gia tăng cho vay kinh doanh bất động sản khi đạt mức 28.161 tỉ đồng, chiếm gần 6% tổng dư nợ, tăng hơn so với mức 4,64% cuối năm trước.

Còn tại TPBank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản là 13.731 tỉ đồng, chiếm hơn 7% và cũng tăng lên cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ so với cuối năm 2022.

Trong khi với MSB là 11.943 tỉ đồng, chiếm gần 9% tổng dư nợ, tăng nhẹ so với đầu năm. Saigonbank cuối tháng 6 cũng có 1.191 tỉ đồng cho vay kinh doanh bất động sản, tăng nhẹ so với con số 1.061 tỉ đồng cuối năm trước.

Ở chiều ngược lại, tại một số ngân hàng có công khai dư nợ cho vay với bất động sản lại cho thấy xu hướng giảm về giá trị hay tỉ lệ.

Trong đó, VietBank cho vay kinh doanh bất động sản đạt 12.323 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6-2023, chiếm gần 18% tổng dư nợ cho vay. Con số này đã giảm cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ so với đầu năm nay khi dư nợ đạt 13.105 tỉ đồng, chiếm 20%.

KienlongBank, PGBank và VIB cũng đều có xu hướng giảm cho vay lĩnh vực này trên tổng dư nợ. Còn lại, nhiều ngân hàng khác không công khai dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản trong báo cáo tài chính quý.

Áp lực trong lúc chờ thị trường bất động sản phục hồi

Theo nhóm chuyên gia WiGroup, sự suy yếu của thị trường bất động sản sẽ gây ra áp lực lên chất lượng tài sản của các ngân hàng có tỉ trọng cho vay bất động sản cao.

“Áp lực nợ xấu của ngân hàng trong hai quý cuối năm vẫn sẽ tăng cao do bộ đệm dự phòng của ngân hàng đã mỏng đi trong quý này. Đồng thời thị trường bất động sản gặp khó về thanh khoản”, chuyên gia WiGroup nhận định.

Bức tranh tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý 2-2023 của toàn ngành bất động sản dân cư (nếu không tính Vinhomes với mức lợi nhuận tăng đột biến khi bàn giao dự án) ghi nhận mức tăng trưởng âm khoảng 46% so với cùng kỳ 2022.

Dù số giá trị tuyệt đối có ghi nhận tăng so với quý 1-2023 nhưng theo các chuyên gia từ Wigroup, chưa có chất xúc tác nào thực sự mạnh mẽ để thúc đẩy lợi nhuận toàn ngành vực dậy từ đáy.

Theo Bộ Xây dựng, trong quý 2-2023, mặc dù cũng có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng giảm, song vẫn còn nhiều dự án bất động sản đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến pháp lý.

Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản thị trường bất động sản thấp nên dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp đang gặp phải áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản. Ngoài ra tỉ giá, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Xây dựng cho hay.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận thông tin chi tiết dự án

Bảng giá bán, hợp đồng mua bán, chính sách cho vay vốn, chương trình khuyến mại mới nhất.


Quý khách điền đầy đủ thông tin để nhận được thông tin dự án chính xác nhất