Trong khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh còn yếu, ngay cả khi mặt bằng lãi suất giảm thì tín dụng bất động sản, đặc biệt là cho vay mua nhà ở đã có những dấu hiệu khởi sắc.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hoạt động tín dụng bất động sản đang có xu hướng tăng trưởng qua từng tháng với những chuyển biến tích cực. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tín dụng bất động sản tại TPHCM đã tăng trưởng 1,61%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung (1,31%) và chiếm 27% trong tổng dư nợ tín dụng. Nếu như tín dụng bất động sản tháng 1.2024 giảm 0,49%, tháng 2 giảm 0,01%, thì đến tháng 3 đã tăng 0,96% và tháng 4 tăng 1,15%. Đây là tháng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 tháng đầu năm.
Theo thống kê của NHNN, dư nợ tín dụng cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất, kinh doanh bất động sản và cho vay chuyển nhượng quyền sử dụng đất có tốc độ tăng trưởng cao hơn các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nếu xét riêng về tín dụng cho vay bất động sản với mục đích để sử dụng như mua nhà để ở, xây và sữa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở… thì đây vẫn là phân khúc có tỉ trọng cao nhất, chiếm 68% trong tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn.
Lãi suất cho vay mua nhà hiện nay vẫn tiếp tục giảm nhằm giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn rẻ vay mua nhà. Thống kê mới nhất của NHNN, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5 điểm % so với cuối năm ngoái; trong khi lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6 điểm %.
Đáng chú ý, lãi suất vay mua nhà tại nhiều ngân hàng hiện chỉ từ 5 – 6%/năm, áp dụng trong 6 – 36 tháng đầu tiên. Nếu so với mức lãi suất tiết kiệm phổ biến kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cho vay hiện ngang hoặc cao hơn chỉ 1%. Sau ưu đãi, lãi suất thả nổi cho các khách vay cũ của nhóm ngân hàng quốc doanh trong khoảng 9 – 10%/năm, trong khi một số ngân hàng tư nhân vẫn neo cao trên 12%/năm.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay chính là việc giá nhà đang được dự báo sẽ không có thể giảm như kỳ vọng do nguồn cung căng thẳng. Sự khó khăn về thủ tục dẫn đến nguồn cung khan hiếm, trong khi chi phí đầu tư vào các dự án liên tục tăng, nên theo các chủ đầu tư “dù muốn giảm giá bán cũng không thể được”.
Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị những người có nhu cầu cần tận dụng bối cảnh lãi suất thấp hiện nay để đưa ra quyết định. TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, trong bối cảnh các nhà quản lý đang nỗ lực thúc đẩy nhanh sự thay đổi về mặt pháp lý, các doanh nghiệp bất động sản đã và đang tìm cách đón đầu cơ hội phục hồi. Vấn đề được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt ra là những giải pháp phù hợp, hiệu quả giúp khơi thông dòng tiền trên thị trường và định hướng sản phẩm phù hợp hơn trong chu kỳ phát triển mới.
“Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cho rằng, thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua rồi; đồng thời, kỳ vọng về môi trường pháp lý thay đổi, đặc biệt là các luật liên quan có hiệu lực đang tạo ra kỳ vọng cho chu kỳ phục hồi của bất động sản; sự năng động của doanh nghiệp, linh hoạt của ngân hàng và các yếu tố thuận lợi cung – cầu để thị trường bất động sản phục hồi một cách bền vững”, TS Phương nhận định.