Lãi suất điều hành đồng loạt hạ nhiệt là tín hiệu tích cực giúp thị trường bất động sản (BĐS) có thêm cơ hội để sớm hồi phục. Giới chuyên gia dự đoán, nếu Nhà nước tiếp tục có những động thái hỗ trợ và các doanh nghiệp chủ động “cứu mình”, thị trường này sẽ có khả năng khởi sắc từ cuối quý II/2023.
Cuối tháng 3.2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông báo về việc giảm loạt lãi suất điều hành, mức điều chỉnh 0,3-0,5%/năm, hiệu lực từ ngày mai (3.4.2023).
Theo đó, NHNN sẽ giảm 0,5%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn; giảm 0,5%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại NHNN.
Nguyên nhân khiến NHNN đưa ra quyết định giảm lãi suất là do thị trường tiền tệ đang ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế; lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh và mạnh.
Ngoài ra, thị trường ngoại tệ cũng ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Từ tháng 1.2023, NHNN đã mua được ngoại tệ từ các TCTD để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn VND vào lưu thông.
Đặc biệt, lạm phát mặc dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại, trong khi đó, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn.
Giới chuyên gia đánh giá, việc giảm lãi suất điều hành ở thời điểm hiện tại là động thái có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như người mua nhà.
Theo đó, cả hai chủ thể này sẽ dễ dàng tiếp cận được vốn vay, có dòng tiền để đầu tư, mua – bán BĐS, kích hoạt lại giao dịch trên thị trường.
TS Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia – nhìn nhận, khi lãi suất điều hành giảm thì lãi suất vay cũng sẽ giảm. Điều này sẽ có ba tác động tích cực cho cả bên bán và bên mua.
Cụ thể, áp lực chi phí vốn đối với chủ đầu tư sẽ giảm bớt do tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn. Từ đó có thể đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, góp phần thúc đẩy thanh khoản trên thị trường BĐS.
Đồng thời, chủ đầu tư có thêm nguồn lực để hoàn thiện các dự án dang dở, cũng như triển khai các dự án mới. Kết quả là nguồn cung mới sẽ được bổ sung cho thị trường.
Tiếp theo, nhu cầu mua BĐS của khách hàng khởi sắc hơn. “Trước đây, lãi suất cho vay ở mức cao là một trong những rào cản lớn đối với việc khách hàng ra quyết định mua BĐS. Do vậy, khi lãi suất vay vốn giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu mua BĐS của khách hàng” – TS Cấn Văn Lực chia sẻ.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM – cũng đánh giá, mặt bằng lãi suất giảm sẽ là động lực giúp thị trường BĐS ấm hơn khi tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn với vay tín dụng. Hơn hết là góp phần tạo tâm lý tích cực cho thị trường, giúp nhà đầu tư khôi phục niềm tin.
“Nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới cùng với việc Chính phủ có thêm những động thái hỗ trợ khác và đặc biệt là doanh nghiệp chủ động “tự cứu mình” thì thị trường BĐS sẽ có khả năng hồi phục từ cuối quý II/2023”, ông Bảo dự đoán.