Với thanh khoản của thị trường khá dồi dào đã giúp lãi suất liên ngân hàng trong những phiên gần đây có sự điều chỉnh giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn so với thời điểm cuối tháng 1/2023 và đầu tháng 2/2023.
trong tuần từ ngày 6 – 10/2, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn.
Số liệu thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế – Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB Research) cho thấy, trong tuần từ ngày 6 – 10/2, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn.
Chốt phiên cuối tuần (ngày 10/2), lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm là 4,97% (-1,15 điểm % so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần là 5,45% (-1,07 điểm %); 2 tuần là 6,13% (-1,0 điểm %); 1 tháng là 7,13% (-0,62 điểm %).
Còn với đồng USD, lãi suất USD liên ngân hàng biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần (ngày 10/2), lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm là 4,44% (-0,02 điểm %); 1 tuần là 4,58% (không thay đổi); 2 tuần là 4,70% (không thay đổi) và 1 tháng là 4,85% (+0,03 điểm %).
Lý giải nguyên nhân giúp lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, Công ty Chứng khoán (CTCK) Bảo Việt (BVSC) cho rằng, do thanh khoản của thị trường đang khá dồi dào nên sẽ không tạo ra các áp lực lớn đối với lãi suất trong thời điểm hiện tại.
Nhận định trên được minh chứng bằng việc lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, bất chấp hoạt động hút ròng trên Thị trường mở (OMO) trong tuần qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thống kê cho thấy trên OMO cho thấy, tuần qua, NHNN chào thầu 23.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 6,0%. Có 8.407,22 tỷ đồng trúng thầu; 80.819,81 tỷ đồng đáo hạn trong tuần.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày. Có 84.999,5 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất trúng thầu giảm từ mức 5,49% xuống mức 4,55%; trong tuần có 15.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, trong tuần qua, NHNN hút ròng 142.412,09 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ OMO. Hiện, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 29.401,22 tỷ đồng; tín phiếu NHNN ở mức 84.999,5 tỷ đồng.
Dự báo cho các tháng tới và cả năm 2023, trong báo cáo mới đây, CTCK Rồng Việt (VDSC) chỉ ra các yếu tố có thể hỗ trợ thanh khoản của hệ thống gồm:
(1) Với áp lực tỷ giá giảm bớt, NHNN có thể tận dụng cơ hội để tích trữ ngoại tệ, đồng thời là cũng một kênh hỗ trợ thanh khoản tiền đồng; (2) Tín dụng tăng chậm hơn, huy động vốn tích cực hơn; (3) Tăng trưởng cung tiền sẽ có sự phục hồi nhờ đầu tư công cải thiện và định hướng tiếp tục hỗ trợ thanh khoản từ nhà điều hành;
(4) Áp lực trái phiếu đáo hạn cho năm 2023 vẫn còn rất lớn, tuy nhiên sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn từ các thành viên thị trường so với năm 2022.
Trong báo cáo mới đây, CTCK Vietcombank dự báo, lãi suất liên ngân hàng dự báo vẫn duy trì ở ngưỡng cao khi xét tới xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương tiếp diễn và chưa có tín hiệu rõ ràng về thời điểm giảm lãi suất.
Giai đoạn này lãi suất nghiệp vụ thị trường mở cũng duy trì ổn định ở ngưỡng cao khoảng 6%. Cùng với đó, bước sang năm 2023, các ngân hàng đã có hạn mức tín dụng mới theo đó có dư địa tập trung nhiều hơn cho các hoạt động tín dụng. “Tất các các yếu tố trên đồng thuận với khả năng lãi suất liên ngân hàng sẽ khó giảm sâu”, VCBS nhận định.
Cũng theo VCBS, mặt bằng lãi suất đã tăng đáng kể trong năm 2022, nhu cầu gửi tiền dự báo sẽ được cải thiện.
Do vậy, trong điều kiện thuận lợi, lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023 và mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt nửa cuối năm 2023.
Trong khi đó, CTCK Yuanta cho rằng, mặt bằng lãi suất đang trong xu hướng ổn định trở lại. Sau Tết Nguyên đán, một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động khoảng 0,5% – 1%.
Dù vậy, các chuyên gia của công ty này vẫn giữ quan điểm thận trọng với lãi suất, vẫn chưa kỳ vọng lãi suất giảm đáng kể mà chỉ kỳ vọng lãi suất sẽ hạ nhiệt sau sau khi các ngân hàng trung ương trên thế giới dừng nâng lãi suất.
Theo Lan Nguyễn/thitruongtaichinhtiente.vn