Đầu năm, các “ông lớn” bất động sản nô nức lên kế hoạch mở rộng quỹ đất

Bất chấp thị trường được cho là còn tương đối trầm lắng, ngay từ đầu năm 2024, không ít doanh nghiệp bất động sản vẫn đang lên kế hoạch mở rộng quỹ đất.

Đầu năm, ông lớn bất động sản nô nức lên kế hoạch mở rộng quỹ đất. Ảnh minh họa, nguồn – Int

Những diễn biến trên thị trường cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản “khỏe” đang tích cực thực hiện các động thái mở rộng quỹ đất với mục tiêu thực hiện các dự án đô thị, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp lớn diễn ra khắp cả nước.

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô đề xuất tỉnh Ninh Thuận thực hiện đầu tư hai cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2, gần khu công nghiệp Cà Ná. Mỗi cụm đều có quy mô 50 ha, tập trung vào các ngành ít gây ảnh hưởng đến môi trường, có công nghệ cao.

Bên cạnh lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, năm nay, Hà Đô còn lên kế hoạch thực hiện nhiều thương vụ M&A, tích lũy quỹ đất triển khai các dự án khu đô thị tại nhiều tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, mục tiêu mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh sang đa ngành.

Cũng ngay trong đầu tháng 1, Kim Oanh Group thâu tóm thành công Dự án đầu tư xây dựng Một Thế Giới (còn gọi là Dự án Hòa Lân) tại TP Thuận An, Bình Dương. Dự án có quy mô gần 50 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, dự kiến được quy hoạch thành khu đô thị kết hợp nhà ở và các công trình thương mại, giáo dục, giải trí.

Thông tin với báo chí, đại điện Kim Oanh Group cho biết đây là quỹ đất vàng trọng điểm của doanh nghiệp giai đoạn sắp tới và sẽ kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài cùng hợp tác triển khai.

Tập đoàn Novaland dù đang trong quá trình tái cấu trúc nợ cũng không ngừng phát triển quỹ đất mới. Doanh nghiệp này vừa đề xuất đầu tư một tổ hợp du lịch – nghỉ dưỡng rộng gần 437 ha tại khu vực Mũi Yến (tỉnh Bình Thuận). Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn tích cực làm việc với tỉnh Lâm Đồng để triển khai dự án khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao nguyên Lâm Viên vốn đã đề xuất từ năm 2022.

Tập đoàn Đất Xanh cũng thông tin đang tìm kiếm quỹ đất rộng 100-200 ha khắp cả nước, pháp lý tốt để làm các dự án giai đoạn 2024-2025. Doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch M&A các quỹ đất dự án hiện hữu tập trung tại khu vực có mức độ đô thị hóa cao, có thể triển khai nhanh để phát triển sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực.

Ngoài ra, loạt doanh nghiệp lớn khác như Ecopark, Hoàng Huy, TNG Holdings, Vinhomes, Eurowindow … cũng đang tích cực tham gia phát triển dự án từ các quỹ đất lớn từ 50-150 ha tại Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận…

Bên cạnh đó, một ông lớn bất động sản khác vừa tái cơ cấu nợ thành công năm qua là Phát Đạt cũng có chiến lược mở rộng quỹ đất, phát triển dự án khu đô thị kiểu mẫu tại nhiều tỉnh thành như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Đồng Nai.

Ngoài ra, Phát Đạt cũng cho biết đang hướng đến săn quỹ đất tại các khu vực có tiềm năng du lịch như Phú Quốc, Bình Định và Bà Rịa – Vũng Tàu để đầu tư vào mô hình bất động sản nghỉ dưỡng.

Cuộc đua phát triển quỹ đất làm dự án nóng bỏng của các doanh nghiệp bất động sản thậm chí còn lan sang cả các doanh nghiệp “ngoài ngành” khi vừa qua, Công ty CP Tập đoàn TH vừa đề xuất tỉnh Lâm Đồng đầu tư dự án Khu du lịch Quốc gia Đankia – Suối Vàng.

Theo quy hoạch, dự án có tổng diện tích gần 4.000 ha, gồm một phần diện tích thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương và một phần thuộc phường 7, TP Đà Lạt. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 30.313 tỷ đồng, được triển khai theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Nhận định về xu hướng trên, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield đánh giá trong cuộc đua mở rộng quỹ đất năm 2023, khối ngoại chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, theo bà Trang Bùi, thị trường 2024 sẽ chứng kiến sự trở lại nhiều hơn của doanh nghiệp nội sau 2 năm tái cơ cấu. Xu hướng của năm nay sẽ là các doanh nghiệp nội giàu tiềm lực tiếp tục cuộc đua thâu tóm quỹ đất sạch, còn khối ngoại đẩy mạnh săn các dự án gặp khó về tài chính.

“Khẩu vị đầu tư của các doanh nghiệp lúc này là dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, có giá trị thật, có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển”, bà Trang Bùi nhận định.

Đối với những lo ngại liên quan đến nguy cơ đầu cơ đất đai thông qua các hoạt động thâu tóm, mua bán sáp nhập, xin dự án,… theo các chuyên gia, các Luật mới được thông qua như Luật Đất đai 2024; Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới gần như đã có các chế tài mạnh nếu doanh nghiệp chỉ đầu cơ gom đất nhưng không xây dựng.

Do đó, các chuyên gia đánh giá, với hành lang pháp lý mới, chặt chẽ hơn sẽ hạn chế tình trạng các bên gom đất xong để đó, hay lợi dụng thông tin quy hoạch dự án để thổi giá đất, gây sốt ảo, tác động tiêu cực lên thị trường.

Trong khi đó, dưới góc độ doanh nghiệp, bà Hương Nguyễn, CEO Đại Phúc Land đánh giá với tình hình khó khăn lúc này, chỉ những doanh nghiệp lớn, dòng tiền bền vững mới dám mạnh dạn mở rộng quỹ đất. Ưu tiên chính của doanh nghiệp trong năm 2024 là duy trì sự ổn định và hoàn thành cơ cấu nợ.

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận thông tin chi tiết dự án

Bảng giá bán, hợp đồng mua bán, chính sách cho vay vốn, chương trình khuyến mại mới nhất.


Quý khách điền đầy đủ thông tin để nhận được thông tin dự án chính xác nhất