Cơ hội nào cho nhà đầu tư khi bất động sản giảm tốc

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản đứng trước nhiều khó khăn, song vẫn có cơ hội nhờ kinh tế vĩ mô phục hồi khá và đòn bẩy hạ tầng.

Từ khi các ngân hàng có động thái siết vốn với bất động sản vào đầu quý II, thanh khoản nhà đất trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) trầm lắng. Dòng tiền trên thị trường địa ốc yếu dần, các dòng vốn đầu tư tài sản có dấu hiệu phòng thủ.

Bất động sản trầm lắng

Chia sẻ với VnExpress hồi tháng 7, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao của GIBC nhận định, thắt chặt tín dụng sẽ khiến ngân hàng ngại cho vay, tác động đến những nhà phát triển dự án và cả người mua nhà để ở trên thị trường sơ cấp. Còn với thị trường thứ cấp, đây là đòn giáng mạnh vào các nhà đầu tư và nhóm đầu cơ địa ốc đang ôm tài sản. Nếu không trụ được, nhóm này sẽ phải xả hàng, giảm giá…

Khu vực quận 1, trung tâm TP HCM. Ảnh: Minh Goku

Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố gần đây cho thấy, tỷ lệ hấp thụ trong quý III chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn vị này nhận định, dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu – Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định, thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Trong đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản.

Theo chuyên gia này, tình thế khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng, nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm tiền khủng hoảng đã dẫn đến thị trường khủng hoảng đóng băng trong giai đoạn 2008 – 2013. 3 tháng đầu năm 2022, giá nhà đất sốt, là điểm khá tương đồng với giai đoạn năm 2007, song đến năm 2008 bước vào giai đoạn suy thoái trước những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Năm 2022, thị trường bất động sản cũng đứng trước thực trạng lệch pha cung – cầu, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Đây cũng là điểm khá giống với giai đoạn 2008.

Điểm sáng của thị trường

So sánh thị trường hiện tại với giai đoạn suy thoái 15 năm trước, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng chỉ rõ một số điểm tích cực hơn. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 7,35% thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng là 11%; nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt với mục tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 14%. Ngoài ra, quy mô nền kinh tế ước khoảng 394,5 tỷ USD, gấp 5,53 lần năm 2007. Dự trữ ngoại hối gấp 5,3 lần so với năm 2007, thể hiện sức chống chịu tốt…

Còn theo ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có các tín hiệu tích cực thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Trong đó, FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường.

Một góc Nam Sài Gòn (quận 7). Ảnh: Sunshine Group

Một góc Nam Sài Gòn (quận 7). Ảnh: Sunshine Group

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9, tổng FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 18,7 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ trong một hội thảo mới đây, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng chỉ ra một số cơ hội đối với lĩnh vực bất động sản. Đó là kinh tế phục hồi khá; quy hoạch được quan tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược; đầu tư công được thúc đẩy; chiến lược phát triển nhà ở 2021 – 2030; pháp lý đã và đang được tháo gỡ…

Riêng về đầu tư công, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III đạt 833.300 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tại TP HCM, khu vực quận 7 thời gian qua, nhiều dự án hạ tầng được triển khai như: mở rộng đoạn đường dài 2km đại lộ Nguyễn Văn Linh từ 6 lên 10 làn xe; hoàn thiện trục đường Phú Thuận nối dài từ giao lộ Huỳnh Tấn Phát – Phú Thuận đến đường Đào Trí; cầu Nguyễn Khoái kết nối quận 1 – quận 4, quận 7; cầu Bến Nghé (Thủ Thiêm 4) kết nối khu đô thị Thủ Thiêm và khu đô thị Nam Sài Gòn. Loạt dự án hạ tầng với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được triển khai hướng tới mục tiêu phát triển quận 7 đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 trở thành trung tâm y tế, giáo dục, thể thao chất lượng cao ở phía Nam TP HCM; phát triển dịch vụ, thương mại kết hợp du lịch.

Giới đầu tư kỳ vọng, hạ tầng được phát triển đồng bộ sẽ kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở, dịch vụ, văn phòng, khiến nhiều dự án bất động sản tại quận 7 hưởng lợi trực tiếp.

Theo báo cáo của VARS, trong quý III, các hiện tượng đầu cơ, các cơn sốt nhà đất bị triệt tiêu. Để có thanh khoản, các chủ đầu tư đẩy mạnh áp dụng các chính sách bán hàng linh hoạt, tăng chiết khấu, cam kết lợi nhuận, cam kết mua lại, đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, những thời điểm trầm lắng như hiện tại là cơ hội để tích lũy tài sản, đầu tư dài hạn.

Hoài Phong

Bài viết liên quan

Đăng ký nhận thông tin chi tiết dự án

Bảng giá bán, hợp đồng mua bán, chính sách cho vay vốn, chương trình khuyến mại mới nhất.


Quý khách điền đầy đủ thông tin để nhận được thông tin dự án chính xác nhất