Chuyên gia bất động sản cho rằng, cơ hội để các “cây lớn” đổ xuống là không có nhiều. Do đó, nhà đầu tư nên nắm bắt cơ hội 10 năm mới trở lại 1 lần trên thị trường địa ốc.
Bất động sản năm 2022 được các chuyên gia đánh giá là một năm nhiều biến động, bất ổn. Đầu năm, thị trường sốt nóng nhiều nơi nhưng bước sang quý 2, thị trường tiếp nhận những thông tin tiêu cực, ngay lập tức thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng.
Đến nay, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở, mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Do thị trường bất động sản đang rất khó khăn nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời “tự cứu mình” để “tồn tại” trước đã và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới, như phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO, mua lại trái phiếu trước thời hạn); hoặc phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với mức chiết khấu đến 40-50% giá hợp đồng; hoặc phải tinh giản đến trên dưới 50% lực lượng lao động, giảm lương, tác động tiêu cực đến vấn đề an sinh xã hội và nhiều hộ gia đình, nhất là đang cận kề Tết Quý Mão 2023.
Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ, với những doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt thì đây lại là thời điểm vàng để doanh nghiệp giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất, đi M&A dự án với giá và vị trí tốt.
Còn với nhà đầu tư có “tiền tươi thóc thật” thì đây cũng là thời của người mua. Nhà đầu tư có quyền lựa chọn, đàm phám về giá. Tuy nhiên, ở thời điểm này nhà đầu tư xác định câu chuyện đầu tư dài hạn bởi nếu đầu tư ngắn hạn gần như không thể bởi rất khó có thanh khoản trong ngắn hạn.
Chia sẻ về quan điểm có nên đầu tư ở thời điểm này, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản BHS cho rằng: “Thực ra, tôi nghĩ các nhà đầu tư có nhiều gu khác nhau. Có những người muốn đầu tư ngắn hạn, có người thì muốn đầu tư dài hạn nhưng có những người thích vào những sản phẩm đầu tư “lướt sóng”, có những người thì muốn mua căn để ở.
Với những gu khác nhau như thế thì trong bất kỳ tình huống, thị trường nào thì đều có những cơ hội khác nhau. Nếu giả sử, ở thời điểm này một số các chủ đầu tư đang có chung cư ở Hà Nội chào bán với chính sách ưu đãi, chiết khấu tốt thì nên mua.
Bởi vì sao? Thứ nhất, vì nguồn cung ở thị trường như Hà Nội và TP.HCM rất ít, rất khan hiếm. Thứ hai, cơ hội để các “cây lớn” đổ xuống như thế này không có nhiều. Thế nên, tôi cho rằng, nhà đầu tư nên nắm bắt cơ hội 10 năm mới trở lại 1 lần vào năm 2023″.