Hạ tầng đang tạo đòn bẩy phát triển về hướng Nam
Khu Nam Sài Gòn, gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một phần khu vực huyện Bình Chánh, từ vài thập niên trở lại đây đã được quy hoạch bài bản hướng tới một đô thị trong lòng TPHCM. Định hướng đó cùng sự phát triển hạ tầng đồng bộ và tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng khiến mật độ dân số của khu Nam tăng cao, vùng đô thị ngày càng mở rộng và sầm uất.
Để hiện thực hóa tầm nhìn đưa TP HCM thành đô thị thông minh trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, hạ tầng đô thị Nam Sài Gòn dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trọng yếu nhằm giải tỏa các nút thắt về giao thông, hạ tầng, để tương xứng với tốc độ phát triển của khu vực năng động này.
Ông Vương Quang Hưng – Trưởng Phòng Quản lý xây dựng công trình đường bộ Sở GTVT TPHCM cho hay Sở GTVT thành phố và các đơn vị liên quan đã không ngừng quan sát, nghiên cứu và đề xuất hàng loạt dự án giao thông hướng tới giải quyết các nút thắt.
Trong đó phải kể đến nhiều dự án hạ tầng “khủng” đã được đưa vào lộ trình phê duyệt như hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) đã chính thức khởi công giai đoạn 1. Ngoài ra, 2 dự án trọng điểm là cầu Thủ Thiêm 3 (nối từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 qua quận 4) và cầu Thủ Thiêm 4 (kết nối giữa quận 2 qua quận 7 – cầu Phú Mỹ) với quy mô đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cũng đang được TP.HCM đẩy nhanh thực hiện.
Ngoài ra, một loạt các dự án trọng điểm khác tại khu vực này đang được đẩy nhanh như cầu Nguyễn Khoái – quận 7 kết nối với quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỉ đồng), dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), dự án đường trục Bắc – Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỉ đồng.
“Những dự án này khi hoàn thành sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền lâu của khu Nam Sài Gòn, đồng thời là cơ sở thu hút các đề án đầu tư bất động sản, huy động nguồn vốn dễ dàng hơn. Hiện TP.HCM xây dựng đề án phát triển hạ tầng 2020- 2025, tiếp tục xem xét, phê duyệt các dự án cần sớm thực hiện để tạo cú hích cho khu Nam trong tương lai gần”, ông Hưng cho hay.
Khu Nam đã sẵn sàng cho chu kỳ phát triển tiếp theo
Hàng loạt hoạt động hạ tầng được đẩy mạnh minh chứng cho việc khu Nam Sài Gòn chuẩn bị bước sang chu kỳ phát triển tiếp theo, sau chu kỳ đầu khởi nguồn từ những năm 90 thế kỷ trước.
Với chu kỳ phát triển này, Nam Sài Gòn được dự báo sẽ trở thành khu đô thị mang màu sắc của trung tâm tài chính quốc tế ven sông – hỗn hợp đa chức năng gồm thương mại, dịch vụ, khoa học, công nghiệp sạch, giáo dục, giải trí và nghỉ dưỡng, tương tự như hình mẫu thành công trên thế giới ở Manhattan (Mỹ), Zurich (Thụy Sĩ), Yeoui-dong (Hàn Quốc) và đặc biệt gần gũi nhất là Singapore.