Bất động sản ấm lên, đẩy tín dụng vào đà tăng mạnh

Bất động sản đang là kênh đẩy vốn quan trọng nhất của các ngân hàng, là “cứu tinh” cho tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng. Tín dụng đang tăng lên khi bất động sản (BĐS) ấm dần.

Tín dụng bứt tốc nhờ bất động sản

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến hết tháng 6 tăng khoảng 6% so với đầu năm, đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng. Hơn 810.000 tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế. Doanh số tín dụng mà các tổ chức tín dụng đã cung ứng ra nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ 3 năm trước.

Trước đó, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5 mới chỉ 2,4%. Như vậy, chỉ riêng trong tháng 6, tín dụng tăng 3,6%, tương đương nền kinh tế hấp thụ được 480.000 tỷ đồng, cao hơn tổng vốn mà các ngân hàng bơm ra trong cả 5 tháng đầu năm. Riêng tuần cuối tháng 6, tín dụng tăng tới hơn 1,5%, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng thêm hơn 210.000 tỷ đồng.

Theo NHNN, nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng này được duy trì, khả năng tín dụng cả năm đạt 15% không phải là mục tiêu bất khả thi.

Theo các chuyên gia, tín dụng sẽ gia tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm nhờ những chính sách kích cầu, đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất và đặc biệt các gói ưu đãi với mặt bằng lãi suất cho vay thấp của các NH.

Tại TP.HCM, lãi suất thấp đã tác động mạnh vào thị trường BĐS. Cùng với những chuyển biến từ thị trường, tăng trưởng tín dụng bất động sản đã phản ánh phần nào vào tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP.HCM.

Theo thống kê từ NHNN chi nhánh TP.HCM, tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Cụ thể, tháng 3 tăng 0,96%. Tháng 4 tăng 1,15%. Tháng 5 tiếp tục tăng trưởng 1,15% và đạt mức dư nợ 992,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.

Trong đó, tín dụng nhà ở, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn.

Đến nay, hàng loạt ngân hàng cạnh tranh giảm lãi suất cho vay mua nhà đất, sửa chữa nhà cửa. Cụ thể, tại nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV), mức lãi suất cho vay mua nhà, đất dao động từ 5 – 7%/năm. Các ngân hàng cổ phần, nước ngoài cũng có mức lãi suất dưới 5%.

Theo ông Phạm Như Ánh – Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), các nhà băng đã hạ lãi suất sâu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Chi phí vốn thấp sẽ kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng.

Khi lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm, thị trường BĐS dần hồi phục, nhu cầu mua nhà ở, đầu tư tài sản tăng trở lại. Nhờ đó, cho vay BĐS tăng, đặc biệt tập trung vào phân khúc cho vay nhà ở bình dân phục vụ nhu cầu ở thực.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) do nhu cầu mua nhà để ở vẫn rất cao, sản phẩm cho vay mua bất động sản nhiều khả năng vẫn sẽ dẫn dắt tăng trưởng tín dụng bán lẻ trong 2024.

Trong quý I/2024, cho vay BĐS là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng bất chấp thị trường còn nhiều khó khăn.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2024, Tổng Giám đốc VBPank Nguyễn Đức Vinh nhận định “BĐS là lĩnh vực tiềm năng, mang lại lợi ích lớn cho ngân hàng”.

Theo lãnh đạo VPBank, dù nợ xấu bất động sản tăng nhanh nhưng đều thu hồi được gần như 100% gốc khi thị trường phục hồi và tỷ lệ mất gốc của cho vay bất động sản thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng khẳng định, ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn, các ngân hàng vẫn không ngại cho vay BĐS nếu có đầy đủ pháp lý. Dù thị trường BĐS thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng cho vay lĩnh vực này vẫn rất nhiều tiềm năng.

Thanh khoản nhà đất song hành tăng trưởng tín dụng

Trong những năm gần đây, tăng trưởng tín dụng nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng tương quan với thanh khoản BĐS. Khi cầu vay mua nhà sụt giảm sẽ kéo tín dụng BĐS nói riêng cũng như tín dụng nói chung của ngân hàng sụt giảm và ngược lại, sẽ kích thích tín dụng tăng trưởng mạnh khi cầu vay mua nhà tăng nhanh.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, với nhu cầu cao về nhà ở, khi mặt bằng lãi vay giảm sẽ kích thích nhu cầu vốn mua nhà, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bất động sản. Vì thế, việc tập trung phân khúc tín dụng nhà ở, cho cá nhân vay mua nhà cần được ưu tiên cao để thúc đẩy tín dụng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá, trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, sự tăng trưởng của thị trường BĐS sẽ có tác động tích cực và hiệu ứng đến những ngành, lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.

Ông Lệnh cho rằng đây là bộ phận tín dụng chiếm tỷ trọng cao. Vì vậy, tín dụng phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết tín dụng bất động sản hiện chiếm 1/5 tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Việc áp dụng sớm các luật mới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, và Luật Các tổ chức tín dụng… trước 5 tháng so với dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, BĐS vẫn là kênh đẩy vốn quan trọng nhất hiện nay của các ngân hàng, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ. Nhưng phân khúc nhà ở xã hội đang đối mặt với những rào cản quy định về đối tượng, thủ tục…, khiến người có khả năng mua nhà không mua được nhà, còn người nằm trong đối tượng mua loại hình này lại không có khả năng thanh toán. Vì vậy, cần thiết kế lại chính sách theo hướng đẩy mạnh nhà ở giá rẻ bên cạnh phát triển nhà ở xã hội, nhằm gia tăng nguồn cung phù hợp với tình hình tài chính của người dân.

Tổ chức VIS Rating kỳ vọng, trong năm 2024, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh BĐS (bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại) triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần tháo gỡ.

Để đón đầu cho làn sóng mua bất động sản sau khi ba luật có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng, cần thêm các trợ lực như gói vay có thời hạn dài hơn, lãi suất ổn định hơn để giảm thiểu nguy cơ cho người đi vay. Và khi các vấn đề pháp lý được giải quyết, thị trường bất động sản sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Nguồn cung được cải thiện sẽ khuyến khích người dân tìm kiếm cơ hội mua nhà, đổi nhà và là động lực để tín dụng của các ngân hàng tăng trưởng tốt hơn.

Ngân hàng cấp tập đẩy vốn, tăng trưởng tín dụng bứt tốc
Bài viết liên quan

Đăng ký nhận thông tin chi tiết dự án

Bảng giá bán, hợp đồng mua bán, chính sách cho vay vốn, chương trình khuyến mại mới nhất.


Quý khách điền đầy đủ thông tin để nhận được thông tin dự án chính xác nhất