Trong thời gian chưa điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai mới, UBND TP.HCM vẫn sử dụng bảng giá đất hiện hành để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai với các hồ sơ tiếp nhận từ ngày 1/8.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi thủ trưởng các Sở, ban ngành TP.HCM, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện về việc giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, trong thời gian chưa điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024, UBND TP.HCM vẫn sử dụng bảng giá đất hiện hành, tức bảng giá đất ban hành ngày 16/1/2020, như trước đây để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai với các hồ sơ tiếp nhận kể từ ngày 1/8.
UBND TP.HCM giao Cục Thuế TP.HCM phối hợp với Sở TN&MT TP.HCM, Sở Tài chính TP.HCM và các đơn vị liên quan giải quyết hồ sơ đất đai tồn đọng phát sinh từ ngày 1/8 với các thủ tục như thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng nhà đất và các khoản thu từ đất.
Quyết định cho sử dụng bảng giá đất hiện hành trong khi chờ điều chỉnh của UBND TPHCM xuất phát từ đề xuất của Cục Thuế TP.HCM; ý kiến thống nhất tại cuộc họp của UBND TP.HCM và trên cơ sở kiến nghị của Sở TN&MT TP.HCM, TP.HCM đã xin ý kiến Ban Cán sự Đảng TP.HCM chủ trương giải quyết vấn đề trên.
Thống kê từ ngày 1-30/8 cho thấy, Cục Thuế TP.HCM tiếp nhận 8.893 hồ sơ liên quan đến thủ tục đất đai để cơ quan này xác định nghĩa vụ tài chính.
Trong đó, 4.711 hồ sơ chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế có phát sinh nghĩa vụ tài chính; 2.229 hồ sơ không phát sinh nghĩa vụ tài chính; 1.669 hồ sơ cấp giấy chứng nhận; 284 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất. Những địa phương có lượng hồ sơ nhiều như TP. Thủ Đức (1.878 hồ sơ), huyện Hóc Môn (1.772), huyện Củ Chi (1.095), quận Tân Phú (388)…
Theo Cục Thuế TP.HCM, kể từ khi Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định 103/2024 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có hiệu lực từ ngày 1/8, cơ quan này gặp vướng mắc trong việc xác định nghĩa vụ tài chính cho các hồ sơ đất đai khi áp dụng bảng giá đất năm 2020.
Để có cơ sở giải quyết lượng lớn hồ sơ đất đai tiếp nhận sau ngày 1/8, Cục Thuế TP.HCM đã 3 lần kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất hiện hành và có hướng dẫn.
Trước đó, việc công bố bảng giá đất điều chỉnh trên địa bàn TP.HCM nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Cụ thể, nếu áp dụng bảng giá đất điều chỉnh, giá đất nhiều nơi ở TP.HCM tăng 10-20 lần so với bảng giá đất hiện hành.
Trong đó, mức giá đất tại quận 1 tăng 5 lần, quận 3 tăng 4-9 lần, quận 4 tăng 11 lần, quận 5 và quận 7 tăng 6 lần, quận 6 tăng 5-11 lần, quận 8 tăng 4-18 lần, quận 10 tăng 5-6 lần, quận 11 tăng 4-9 lần, quận 12 tăng 3-33 lần, quận Bình Thạnh tăng 5-13 lần, quận Gò Vấp tăng 7-11 lần, quận Phú Nhuận tăng 7-8 lần, quận Tân Bình tăng 7-12 lần, quận Tân Phú tăng 7-17 lần, quận Bình Tân tăng 9-17 lần, TP. Thủ Đức tăng 6-35 lần.
Đặc biệt, huyện Hóc Môn tăng 5-51 lần, huyện Củ Chi tăng 9-31 lần, huyện Bình Chánh tăng 2-36 lần, huyện Nhà Bè tăng 7-23 lần, huyện Cần Giờ tăng 8-23 lần.
Các chuyên gia cho rằng, dưới góc độ quản lý Nhà nước, việc điều chỉnh giá đất là cần thiết. Nhưng, đối với người dân, nhà đầu tư, các nội dung điều chỉnh ở thời điểm này là chưa phù hợp thực tế, sẽ tạo áp lực tài chính rất lớn, đặc biệt người dân ở ngoại thành.
Đồng thời, việc điều chỉnh giá đất theo hướng tiệm cận thị trường là cần thiết nhưng phải có lộ trình, cần làm từng bước, xác định địa điểm, khu vực, trường hợp nào cần làm ngay và trường hợp nào cần thêm thời gian nghiên cứu.