“Nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn
Giám đốc truyền thông một ngân hàng thương mại chia sẻ, trong số 14 bài viết đăng tải từ cuối tháng 4/2024 đến nay theo hợp đồng truyền thông của ngân hàng này với một ấn phẩm báo chí, có tới 10 bài tập trung giới thiệu về các gói cho vay bất động sản.
“Đối tác có trao đổi với tôi, liên tiếp các bài đăng đều tập trung vào chủ đề cho vay bất động sản mà không chán à? Tôi có trả lời, muốn chán cũng không được, vì tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống nói chung, của ngân hàng chúng tôi nói riêng đang thấp và lĩnh vực trụ cột là bán lẻ nên chúng tôi đẩy mạnh cho vay bất động sản”, vị giám đốc truyền thông giãi bày.
Từ góc nhìn khái quát về hoạt động của ngành ngân hàng, ông Lê Hoài Ân, CFA, Founder IFSS, Chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp cho rằng, thời gian qua, một số ngân hàng cải thiện tích cực về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nhờ tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn và tăng cường dịch vụ thanh toán số.
Ví dụ, MB và Techcombank đã đầu tư mạnh vào công nghệ số và các sản phẩm dịch vụ tiện ích, giúp thu hút lượng lớn khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán thường xuyên, qua đó tăng cường nguồn vốn rẻ.
Việc tập trung bơm tín dụng cho các tập đoàn lớn cũng là cách giúp CASA của ngân hàng này tăng mạnh khi dòng tiền duy trì ổn định trong hệ sinh thái kinh doanh của những doanh nghiệp này.
“Một điểm đáng lưu ý là dòng vốn tín dụng của nhóm ngân hàng này thường chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản. Do đó, tỷ lệ CASA phục hồi mạnh ở nhóm này phần nào thể hiện dòng tiền hoạt động cải thiện của các hệ sinh thái bất động sản và các công ty xây dựng”, ông Ân nói.
Kết quả điều tra xu hướng tín dụng các tổ chức tín dụng, do Vụ Dự báo – Thống kê, Ngân hàng Nhà nước tiến hành mới đây cho thấy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, trong 6 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng cho biết có xu hướng “không đổi” hoặc “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đúng như dự kiến tại cuộc điều tra 6 tháng cuối năm 2023.
Xu hướng này ghi nhận ở các lĩnh vực cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao, cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, cho vay mua nhà để ở… Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng giảm bớt xu hướng thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng đối với các lĩnh vực: đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản, kinh doanh tài chính, ngân hàng – bảo hiểm và xây dựng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, bất động sản tại các đô thị và khu công nghiệp là hai khu vực phát triển tốt nhất từ đầu năm 2024 đến nay và tiếp tục là lĩnh vực tiềm năng trong những tháng cuối năm 2024.
Lý do, công nghiệp là ngành phát triển tốt khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, bất động sản nhà ở tại những thành phố lớn mặc dù giá cao nhưng nhu cầu vẫn rất lớn.
Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu sôi động rõ rệt hơn từ đầu năm tới nay, cộng với việc mặt bằng lãi suất đã về mức thấp trong nhiều năm khiến người dân mạnh dạn hơn với việc “gõ cửa” ngân hàng vay vốn.
Trong khi đó, từ phía đơn vị cung ứng vốn, các ngân hàng tích cực triển khai các gói vốn với lãi suất hấp dẫn cùng nhiều chính sách ưu đãi khác nhằm kích cầu cho vay mua nhà ở trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chậm.
Nhiều chính sách ưu đãi, kích cầu tín dụng
Mới đây, chị Hải Vân (ngụ tại quận 9, TP.HCM) tìm mua căn hộ chung cư và được người quen giới thiệu về sản phẩm cho vay mua căn hộ với mức lãi suất ưu đãi 5,9%/năm – 6,9%/năm – 7,9%/năm trong thời gian cố định 6 tháng – 12 tháng – 24 tháng đầu tiên và giảm tiếp 0,4%/năm khi vay để trả nợ ngân hàng khác của VIB.
Sau khi gặp nhân viên của nhà băng này, chị Vân đã được tư vấn phương án trả nợ tối ưu, với số tiền phải trả hàng tháng là 12,5 triệu đồng/tháng trong 24 tháng đầu tiên. Đề nghị vay vốn được chuyển tới VIB trong buổi sáng và ngay buổi chiều, khoản vay đã được phê duyệt.
Gói sản phẩm cho vay mua nhà phố của VIB cũng áp dụng chính sách lãi suất tương tự.
Bên cạnh đó, với các khách hàng có nhu cầu chuyển khoản vay về VIB, không như thông lệ thị trường sẽ phải tất toán khoản vay tại ngân hàng cũ và rút hồ sơ tài sản thế chấp, hoặc bổ sung thêm tài sản thế chấp khác trước khi giải ngân, tại VIB, tất cả các khách hàng sẽ được hỗ trợ giải ngân trước để tất toán.
Lãnh đạo VIB cho biết, với các khoản vay trả nợ ngân hàng khác, VIB áp dụng thời gian vay đến 30 năm và hạn mức vay đến 80% đối với tài sản bảo đảm là nhà phố, biệt thự, căn hộ chung cư, nhà ở liền kề đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Phí định giá tài sản đảm bảo đang được miễn cho khách hàng chuyển khoản vay về VIB. Đặc biệt, VIB còn linh hoạt cho khách hàng trong việc chứng minh nguồn thu nhập.
Còn tại SHB, ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng đã ban hành nhiều chính sách, chương trình ưu đãi dành cho người mua bất động sản. Cụ thể, khách hàng sẽ được vay tối đa 90% giá trị tài sản dự định mua, không giới hạn số tiền vay với lãi suất chỉ từ 5,79%/năm.
Ngoài ra, với lợi thế ân hạn nợ gốc trong vòng 24 tháng cùng thời hạn vay lên đến 25 năm, khách hàng có thể trả góp với lịch trả lãi tối đa 3 tháng/lần, trả gốc tối đa 6 tháng/lần, từ đó giảm gánh nặng tài chính trong thời gian đầu của khoản vay.
Thêm vào đó, SHB hỗ trợ vốn tất cả các nhu cầu trong quá trình mua bất động sản của khách hàng như xây – sửa nhà ở, mua sắm nội thất… Đáng chú ý, khách hàng có thể thế chấp bằng giấy tờ có giá/số dư tiền gửi, bất động sản hình thành từ vốn vay/bất động sản khác hoặc ô tô, giúp linh hoạt trong việc lựa chọn tài sản thế chấp phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu sử dụng.
Một lãnh đạo cao cấp SHB cho biết: “SHB đang liên kết với các chủ đầu tư lớn như T&T, Vingroup, HUD… để tài trợ cho vay tại 30 dự án tại Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Khánh Hòa…, giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm những căn hộ phù hợp với nhu cầu tài chính”.
Đáng chú ý, kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, trong 6 tháng cuối năm 2024, xu hướng nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng được nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng hơn so với 6 tháng đầu năm 2024 và dự kiến nới lỏng đối với tất cả các nhóm khách hàng và hầu hết các lĩnh vực.
Xu hướng nới lỏng các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể đối với khách hàng doanh nghiệp (nới lỏng đối với lĩnh vực cho vay sản xuất – kinh doanh) và khách hàng cá nhân (dự kiến tập trung thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, vay mua bất động sản để ở) trong 6 tháng cuối năm 2024.
“Các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng của đơn vị là do đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan và tác động tích cực của chính sách định hướng/quản lý phát triển các ngành kinh tế của Chính phủ và chính sách định hướng/quản lý tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước”, kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho biết.