Hoạt động kinh doanh bất động sản tại TP.HCM vẫn có sức hút đáng kể đối với vốn đầu tư nước ngoài, theo đó, doanh thu kinh doanh bất động sản 2 tháng đầu năm 2024 của thành phố ước đạt 42.300 tỷ đồng…
Số liệu từ Cục thống kê TP.HCM về hoạt động kinh tế xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy tình hình kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố có những tín hiệu tích cực nhờ những chính sách tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản từ năm 2023 của Chính phủ.
Cụ thể, doanh thu kinh doanh bất động sản 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 42.300 tỷ đồng (tăng 20,1% so với cùng kỳ), bình quân mỗi tháng đạt 21.100 tỷ đồng. Như vậy, con số này tăng so với bình quân doanh thu bất động sản năm 2023 là hơn 19.100 tỷ đồng/tháng. Cả năm 2023, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 230.109 tỷ đồng (giảm 2,1% so với năm 2022).
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tỷ trọng đóng góp của hoạt động kinh doanh bất động sản cho GRDP của thành phố vẫn duy trì ở mức 3,6% năm 2023. Hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn có sức hút đáng kể đối với vốn đầu tư nước ngoài và có sự thay đổi lớn về cơ cấu đầu tư, vốn đầu tư cho dự án mới hoặc điều chỉnh vốn cho dự án đang thực hiện chiếm tỷ trọng thấp so với hoạt động góp vốn, mua cổ phần.
Theo đó, cả năm 2023, thành phố đã thu hút 873 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, (xếp thứ 3 các ngành, lĩnh vực), trong đó: vốn đăng ký cấp mới 230,3 triệu USD, vốn đăng ký điều chính 104,7 triệu USD, góp vốn, mua cổ phần 538 triệu USD.
Cả năm 2023, có 19 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 17.753 căn được đưa ra thị trường (gồm 16.500 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng). Trong đó, phân khúc cao cấp có 11.334 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân. Như vậy, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong cả năm 2023 tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước.
UBND TP.HCM cho biết trong năm 2024, thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó có giải pháp phát triển các loại thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp. Các giải pháp trên góp phần thúc đẩy ngành bất động sản tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2024.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), để có thể khởi công ngay một số dự án bất động sản, ngoài việc đưa vào nền kinh tế khoảng 6.000 tỷ đồng từ nguồn giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 01/2024, TP.HCM nên vào cuộc ngay từ đầu năm 2024 để tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, tạo sức bật cho thị trường.
HoREA cho biết trong tổng số 189 kiến nghị của 148 dự án bất động sản, đã có 03 dự án được giải quyết theo chỉ đạo của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM; 12 dự án đang được các sở ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố; 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Còn theo các chuyên gia kinh tế và bất động sản, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất đồng bộ cho người mua nhà lẫn người xây nhà; kích hoạt trở lại phân khúc nhà ở trung bình, bởi hiện phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp (khoảng 1,5-2 tỷ đồng/căn) có nhu cầu lớn nhưng nguồn cung lại đang thiếu trầm trọng.